Đại dịch COVID-19 xuất hiện tại nhiều quốc gia và ở Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Đến thời điểm giữa tháng 9 năm 2020, khi nền kinh tế tái khởi động sau thời gian phong tỏa do dịch COVID-19, dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn.
Trong tình hình dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại một lần nữa tại Việt Nam, Nhà nước cùng toàn thể tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã và đang cùng chung tay chống dịch với sự quyết tâm cao nhất nhằm nhanh chóng dập tắt đợt bùng phát dịch, trở lại trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, với những gì đã và đang xảy ra, rõ ràng, nền kinh tế cũng đã ít nhiều chịu ảnh hưởng, kết quả khảo sát thông tin tác động của dịch COVID-19 của các doanh nghiệp như sau:
-
Về tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp:
Qua khảo sát, ước tính bình quân năm 2020 so với bình quân năm 2019 lao động giảm 2,2% . Phân theo qui mô lao động: doanh nghiệp nhỏ là đối tượng có lực lượng lao động giảm nhiều nhất (-11,37%); tiếp đến là nhóm doanh nghiệp vừa (-10,33%); doanh nghiệp siêu nhỏ (- 7,92%); riêng nhóm doanh nghiệp lớn lao động tăng 0,79%.
-
Về doanh thu của doanh nghiệp:
Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, ước tính năm 2020 so năm 2019, doanh thu các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa đều giảm với mức giảm tương ứng là 6,22%; 4,06% và 4,18%. Riêng nhóm doanh nghiệp lớn, ước tính doanh thu tăng 2,43%. Phân theo ngành kinh tế cấp 1: có 14 ngành kinh tế có doanh thu giảm, ngành có doanh thu giảm sâu nhất giảm là 21,09%. Có 4 ngành dự kiến doanh thu tăng, ngành có doanh thu dự ước tăng cao nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,76%.
-
Ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào
Có 35,61% doanh nghiệp chịu tác động chính từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu; trong đó nhóm doanh nghiệp lớn là 62,39%; doanh nghiệp vừa là 45,59%; doanh nghiệp nhỏ là 37,68%; doanh nghiệp siêu nhỏ là 29,71%. Có 27,91% doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ nguồn trong nước: trong đó doanh nghiệp lớn là 40,25%; doanh nghiệp vừa là 30,59%; doanh nghiệp nhỏ là 30,58%; doanh nghiệp siêu nhỏ là 25%.
-
Ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ
Có 65,07% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thu hẹp của thị trường tiêu thụ trong nước; 48,1% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu thu hẹp. Đánh giá về nguyên nhân thị trường xuất khẩu bị thu hẹp: có 74,57% doanh nghiệp đánh giá là do khó khăn trong khâu lưu thông hàng hóa do một số thị trường xuất khẩu đang áp dụng biện pháp phong tỏa/đóng cửa biên giới; 55,33% doanh nghiệp đánh giá là do sụt giảm đơn hàng xuất khẩu; 34,4% doanh nghiệp đánh giá là do vận chuyển, lưu kho tăng; nguyên nhân khác là 8,25%.
(Số liệu từ Báo cáo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Đối mặt với những khó khăn như vậy, việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng lao động, nhân sự cũng như các kế hoạch về tài chính, thuế của doanh nghiệp cũng cần có sự điều chỉnh, cơ cấu lại cho phù hợp với diễn biến của tình hình mới.
Về cơ bản, hiện nay các doanh nghiệp phải lưu ý tới 05 vấn đề sau trong đại dịch:
1. Đối với vấn đề lao động: Theo đó, các doanh nghiệp nên duy trì số lượng lao động đủ để hoạt động một cách bình thường trong thời điểm dịch Covid-19 còn đang hoành hành và chuẩn bị phương án để bổ sung lao động khi hoạt động sản xuất trở lại bình thường sau dịch Covid-19.
Việc cắt giảm lao động nên được tính toán kỹ, không chỉ dựa trên tiêu chí tình hình tài chính mà còn dựa trên kế hoạch về hoạt động trong trung và dài hạn của doanh nghiệp. Việc cắt giảm ồ ạt sẽ dẫn tới việc tốn chi phí trong hoạt động đào tạo và xây dựng lại nguồn lao động của doanh nghiệp.
Hiện nay, đối với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, căn cứ vào tình hình tài chính của doanh nghiệp, có 02 phương pháp để cắt giảm số lao động thường xuyên, theo đó:
- Một là ngừng việc đối với người lao động. Theo đó, việc doanh nghiệp (người sử dụng lao động) tiến hành ngừng việc đối với người lao động cũng như thoả thuận về mức tiền lương trong thời gian ngừng việc. Mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc không thấp hơn mức lương cơ bản trong nhất ít 14 ngày đầu kể từ ngày bắt đầu ngừng việc. Việc ngừng việc với người lao động, dù doanh nghiệp vẫn tiếp tục được trả lương với mức lương thoả thuận (có thể thấp hơn so với mức lương thực hưởng mà người lao động đang nhận), đồng thời, khi trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, các bên có thể tiến hành kết thúc thời gian ngừng việc.
- Hai là doanh nghiệp (người sử dụng lao động) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong thời gian dịch Covid-19 căn cứ trên tình hình tài chính của doanh nghiệp. Việc đơn phương chấm hợp đồng lao động dẫn tới việc cắt giảm lao động trên thực tế. Tuy nhiên, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng dẫn tới việc phải chi trả các khoản trợ cấp cho người lao động khi cho thôi việc và khi trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường sẽ tốn việc tốn chi phí trong hoạt động đào tạo và xây dựng lại nguồn lao động của doanh nghiệp.
Với 02 phương thức trên, các doanh nghiệp cần cân đối cho hợp lý để hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp được diễn ra một cách suôn sẻ nhất.

2. Đối với vấn đề thuế của doanh nghiệp:
Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, cũng có rất nhiều ưu đãi thuế được Chính phủ đưa ra để tạo điều kiện cho doanh nghiệp như miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế,…. Đây cũng là điều doanh nghiệp phải lưu ý để cân đối các nguồn lực tài chính để đảm bảo cho sự hoạt động và phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
3. Đối với vấn đề cơ cấu lại công nợ:
Trong điều kiện hoạt động và sản xuất bình thường, các khoản công nợ của doanh nghiệp có thể thanh toán đúng hạn. Tuy nhiên, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 khó khăn, các doanh nghiệp cũng cần có phương án để giãn hoặc thu hồi nợ hợp lý để không làm gián đoạn nguồn tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, một số cách thức cơ bản của doanh nghiệp trong cơ cấu công nợ là thoả thuận lại về thời hạn thanh toán, thoả thuận lại về lãi suất, thoả thuận lại về phương thức thanh toán,…
Nhìn chung, các mục tiêu cuối cùng trong việc cơ cấu lại công nợ là để tránh trường hợp doanh nghiệp bị rơi vào tình huống nợ xấu hoặc mất khả năng thu hồi công nợ trong thời gian dài.
4. Đối với vấn đề thủ tục doanh nghiệp:
Có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính hoặc công nợ dẫn tới việc không thể tiếp tục hoạt động trong thời gian ngắn hoặc dài hạn hoặc cần cơ cấu lại tổ chức trước khi tiếp tục hoạt động là điều không thể tránh khỏi. Đối với các trường hợp này, việc thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh, giải thể hay phá sản cũng cần phải được thực hiện theo đúng thời hạn và thủ tục theo quy định của pháp luật để tránh trường hợp bị xử phạt và các rắc rối pháp lý kéo theo.