1. Cơ sở pháp lý
Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH
2. Khái niệm sáng chế
Theo pháp luật Việt Nam, sáng chế được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Hiện nay, khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định về sáng chế đang có hiệu lực thi hành đưa ra khái niệm cụ thể như sau:
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Theo khái niệm trên, sáng chế mang những đặc điểm riêng biệt sau đây:
· Bản chất của sáng chế tạo ra phương tiện mới sản phẩm mới về nguyên lý kỹ thuật, chưa từng tồn tại hoặc đã tồn tại trong một nhóm nhỏ song không phổ biến và là bí mật đối với cộng đồng, tức sáng chế vẫn có thể là mô tả chi tiết kỹ thuật tạo ra một sản phẩm kỹ thuật hoặc quy trình kỹ thuật bí mật;
· Có khả năng áp dụng trực tiếp hoặc qua thử nghiệm để ứng dụng vào sản xuất và đời sống;
· Có giá trị thương mại, mua bán bằng sáng chế và giấy phép;
· Được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp sau khi tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ.

3. Khái niệm về đăng ký sáng chế
Để chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ các quyền theo quy định của pháp luật thì sáng chế đó phải được đăng ký bằng sáng chế và được cấp Bằng độc quyền sáng chế.
Như vậy, đăng ký sáng chế là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành việc ghi vào sổ đăng ký độc quyền sáng chế và cấp Bằng độc quyền sáng chế cho giải pháp kỹ thuật được người yêu cầu bảo hộ sáng tạo ra. Sáng chế được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và tại các văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, việc đăng ký có thể tiến hành ở các cơ sở sau:
· Cục Sở hữu trí tuệ ở Hà Nội – Địa chỉ: số 384 – 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
· Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Đà Nẵng – Địa chỉ: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
· Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh (Cục Sở hữu trí tuệ TPHCM) – Địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
4. Ý nghĩa của việc đăng ký sáng chế
Đăng ký sáng chế là thủ tục hành chính do Cục sở hữu trí tuệ tiến hành để xác định quyền sở hữu của chủ thể nhất định đối với sáng chế. Đăng ký sáng chế là hình thức ghi nhận sáng chế và chủ sở hữu vào Số đăng ký quốc gia về sáng chế và cấp Bằng độc quyền sáng chế/ Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho chủ sở hữu.
Quyền sở hữu đối với sáng chế chỉ được xác lập theo thủ tục đăng ký. Chủ sở hữu sáng chế đã đăng ký được pháp luật bảo đảm độc quyền khai thác sáng chế nhằm mục đích thương mại trong thời gian bảo hộ (20 năm đối với sáng chế được cấp bằng sáng chế và 10 năm đối với sáng chế được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích). Trong thời gian đó, bất kỳ người thứ ba nào khai thác sáng chế mà không được phép của chủ sở hữu bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Thời hạn bảo hộ sáng chế
Về thời hạn bảo hộ đối với sáng chế, Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định thông qua hiệu lực của văn bằng bảo hộ, cụ thể khoản 2 và khoản 3 quy định vấn đề này như sau:
“2. Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.
3. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.”
Theo đó, nếu sáng chế được cấp Bằng độc quyền sáng chế thì thời hạn bảo hộ là 20 năm tính từ ngày nộp đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế. Còn đối với sáng chế chỉ được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì thời hạn bảo hộ là hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ.
6. Điều kiện đăng ký sáng chế
Để phân biệt với phát minh là những gì con người phát hiện ra, nhận thức được đã tồn tại sẵn trong tự nhiên, không do con người tạo ra, một giải pháp kỹ thuật có thể được bảo hộ độc quyền sáng chế nếu đáp ứng ba điều kiện sau:

· Tính mới
Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.
Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký, sáng chế được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học, sáng chế được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức sẽ không bị coi là mất tính mới nếu được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố.
· Tính sáng tạo
Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
· Khả năng áp dụng công nghiệp
Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.
7. Hồ sơ, thủ tục đăng ký sáng chế
Để tiến hành đăng ký sáng chế, người yêu cầu cần tiến hành các bước sau đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế
Người yêu cầu cần nộp bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế đến Cục Sở hữu trí tuệ 386 Nguyễn Trãi Hà Nội hoặc văn phòng giao dịch Cục sở hữu trí tuệ TP HCM hoặc Đà Nẵng như địa chỉ đã cung cấp ở trên. Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sáng chế bao gồm:
· Tờ khai đăng ký sáng chế theo mẫu quy định. Có thể tham khảo ở website Cục Sở hữu trí tuệ ở địa chỉ: www.noip.gov.vn;
· Bản mô tả sáng chế;
· Bản tóm tắt sáng chế;
· Chứng từ lệ phí nộp đơn và lệ phí công bố đơn (nếu có yêu cầu thẩm định nội dung), phí phân loại sáng chế nếu người nộp đơn không phân loại.
Ngoài ra, trong trường hợp cụ thể, đơn đăng ký sáng chế có thể có thêm các tài liệu bổ sung sau đây:
· Giấy uỷ quyền đối với trường hợp đơn được nộp thông qua đại diện;
· Bản sao đơn đầu tiên hoặc hoặc các đơn đầu tiên nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế;
· Phí xin hưởng quyền ưu tiên nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết yêu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế
Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ xem xét hồ sơ đăng ký sáng chế và tiến hành việc thẩm định hình thức và nội dung yêu cầu sáng chế.
· Thẩm định hình thức
Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế, Cục sở hữu thẩm định hình thức đơn và thông báo cho người nộp đơn về quyết định chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận đơn hợp lệ.
Công bố đơn: trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tuỳ theo ngày nào muộn hơn.
· Thẩm định nội dung
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung (nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn) hoặc từ ngày công bố đơn (nếu yêu cầu thẩm định được nộp trước ngày công bố đơn), người nộp đơn và người thứ ba yêu cầu thẩm định nội dung sẽ được cục sở hữu trí tuệ thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn, trong đó nêu rõ đối tượng có đáp ứng điều kiện bảo hộ hay không.
Kết thúc quá trình thẩm định, nếu đủ điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích để bảo vệ quyền của chủ sở hữu sáng chế.
Trên đây là nội dung về Đăng ký sáng chế theo quy định của pháp luật Công ty Luật TKB gửi tới Quý khách hàng. Nội dung tư vấn chỉ mang tính chất tham khảo tại thời điểm có hiệu lực hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật. Để được hướng dẫn chi tiết, hiệu quả quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 055 586.
Trân trọng!