Căn cứ pháp lý:
Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Luật doanh nghiệp 2014
1. Về việc xác định thẩm quyền của tòa án trong các vụ việc tranh chấp thương mại

Thứ nhất, quy định tại Điều 30 BLTTDS năm 2015 quy định rất rõ việc xác định những tranh chấp nào là tranh chấp kinh doanh thương mại. Theo đó, khi có một trong các loại tranh chấp quy định tại các khoản từ 1 đến 4 của Điều 30 như phân tích bên trên thì tranh chấp đó thuộc thẩm quyền của tòa án. Trong đó, quy định tại khoản 5 Điều 30 là quy định mở “Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”. Chỉ khi có một văn bản quy phạm pháp luật xác định quan hệ đó là tranh chấp kinh doanh thương mại thì Tòa án vận dụng khoản 5 Điều 30 để thụ lý, giải quyết.
Thứ hai, tranh chấp phát sinh trong quá trình thành lập, tổ chức hoạt động, tổ chức quản lý của nhiều loại hình doanh nghiệp mà sự hoạt động dựa vào sự góp vốn của các thành viên như hợp tác xã hoặc các loại hình doanh nghiệp đặc thù trên thực tế (như trường tư thục, trường dạy nghề, trường dân lập, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán…) theo Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành không được coi là tranh chấp công ty mặc dù chúng có cùng bản chất với tranh chấp công ty.
Thứ ba, việc xác định mục đích lợi nhuận. Tiêu chí lợi nhuận chưa thực sự rõ ràng về mặt lý luận và thực tiễn. Nếu phân biệt quan hệ về kinh doanh và dân sự dựa trên yếu tố lợi nhuận mà không đưa ra tiêu chí cụ thể, khác biệt thì có sự bất ổn về cách phân loại các tranh chấp. Chẳng hạn các trang thiết bị có thể vừa dùng cho mục đích kinh doanh, vừa dùng cho sinh hoạt. Điều này sẽ dẫn đến việc cùng một quan hệ nhưng bao hàm cả 2 mục tiêu là tiêu dùng và phục vụ sản xuất - kinh doanh.
2. Thẩm quyền theo cấp xét xử của tòa án
Thực tiễn xét xử cho thấy Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn thụ lý và giải quyết sơ thẩm những tranh chấp kinh doanh mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận. Thẩm quyền của cấp tòa án đối với tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng như hợp đồng gia công, hợp đồng hợp tác kinh doanh. Sự phân chia trình tự thủ tục xét xử qua nhiều cấp tòa án phức tạp và kéo dài không đáp ứng được yêu cầu quan trọng trong việc giải quyết TCKDTM là nhanh chóng và kịp thời. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tranh chấp thương mại được giải quyết theo cơ chế hai cấp xét xử, xét xử sơ thẩm thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao và tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử phúc thẩm đối với quyết định bản án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hợp lệ theo quy định của pháp luật.
-
Thẩm quyền theo lãnh thổ của tòa án
Trên thực tế các chủ thể khi lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp thương mại thường xuyên xảy ra vấn đề là lựa chọn tòa án không đúng thẩm quyền như ví dụ ở phần thực trạng đã nêu, từ vấn đề đó dẫn đến việc lựa chọn tòa án giải quyết không phù hợp với quy định của pháp luật. Các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án nơi nguyên đơn cư trú hay có trụ sở giải quyết nhưng phải là tòa án có thẩm quyền, thỏa thuận chọn tòa án vượt cấp là vô hiệu. Từ những vướng mắc trên dẫn đến khi xảy ra tranh chấp thương mại, các chủ thể nộp đơn yêu cầu.
-
Những khó khăn trong thực tiễn thực hiện thẩm quyền của tòa án
Về mô hình cơ cấu tổ chức hoạt động của hệ thống tòa án: Hiện hệ thống tòa án nước ta gồm có tòa án nhân dân tối cao; các tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các tòa án quân sự và các tòa án khác do luật định. Theo quy định hiện hành, tòa án nhân dân cấp huyện được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện. Vì vậy, số lượng của tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay rất lớn và đang có xu hướng tăng lên do nhu cầu thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện. Đây đang là một bất hợp lý lớn trong việc kiện toàn, nâng cao năng lực và chất lượng công tác của các tòa án cấp huyện, gây sự lãng phí và không hiệu quả.
3. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại
3.1. Giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp thương mại
a) Cần sửa đổi cách lập pháp về thẩm quyền của tòa án theo hướng loại trừ
Việc quy định theo hướng loại trừ những tranh chấp không phải là TCKDTM sẽ tạo một phạm vi mở cho việc xác định TCKDTM và nội hàm của khái niệm này trong văn bản pháp luật. Trong trường hợp một tranh chấp phát sinh và không được coi là TCKDTM (vì không thỏa mãn dấu hiệu của TCKDTM) thì sẽ được coi là tranh chấp về dân sự và thuộc thẩm quyền của tòa án như một vụ án dân sự.
b) Quyền tự do lựa chọn tòa án của đương sự
Nếu lựa chọn phương thức trọng tài thương mại các bên có quyền lựa chọn bất kỳ trọng tài nào để yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại. Còn đối với tòa án, cho dù các bên đương sự có thống nhất đi chăng nữa thì sự thỏa thuận lựa chọn tòa án cũng chỉ được chấp nhận nếu họ lựa chọn một trong những tòa án mà pháp luật quy định, thường là tòa án nơi cư trú hoặc có trụ sở của một trong các bên hoặc nơi thực hiện hợp đồng.
c) Thừa nhận quyền giải thích pháp luật của Tòa án nhân dân trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại.
Trên thực tế việc giải thích pháp luật của cơ quan hành pháp đang trở nên phổ biến làm cho việc sử dụng pháp luật trở lên rối rắm và khó hiểu, nhiều hướng dẫn sai với quy định. Do đó, khi trao cho tòa án quyền được giải thích luật cũng phải đề ra những yêu cầu cụ thể như: Chỉ áp dụng việc giải thích cho những vấn đề mà luật không rõ ràng. Giải thích pháp luật là để áp dụng cho những trường hợp cụ thể. Giải thích pháp luật phải trên phương diện công bằng, bình đẳng.
3.2. Các giải pháp hỗ trợ hoàn thiện các quy định của pháp luật về thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp thương mại
a) Hoàn thiện pháp luật về mô hình, cơ cấu tổ chức của tòa án
Tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân theo cấp xét xử gồm 3 cấp: sơ thẩm, phúc thẩm và Tòa án nhân dân tối cao; Thành lập Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm theo khu vực, không theo địa giới hành chính; Mỗi Tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm khu vực chỉ có một bộ phận văn phòng nhưng đội ngũ thẩm phán thì được phân công thành các ban khác nhau, trong đó có ban chuyên trách xét xử về tranh chấp thương mại.
b) Nâng cao trình độ, năng lực của thẩm phán, hội thẩm phán trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Việc đào tạo đội ngũ thẩm phán phải mang tính chuyên nghiệp, được trang bị một cách hệ thống kiến thức pháp luật và kỹ năng xét xử; Phải coi thẩm phán là một nghề, bổ nhiệm một lần, bổ nhiệm chức danh cho từng cấp xét xử; Pháp luật cần xác định quyền hạn độc lập và trách nhiệm cá nhân của thẩm phán trong quá trình xét xử; Cần có một đội ngũ hội thẩm riêng cho lĩnh vực xét xử TCKDTM. Đội ngũ này phải có những yêu cầu: phải là thương nhân, có kiến thức về pháp luật ở mức độ nhất định, có uy tín và kinh nghiệm trong kinh doanh; không do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra; không hoạt động theo nhiệm kỳ, mà tham gia hoạt động trong một tổ chức hiệp hội của giới doanh nhân.
Trên đây là nội dung về Một số vướng mắc về thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại của tòa án trong hội nhập quốc tế Công ty Luật TKB gửi tới Quý khách hàng. Nội dung tư vấn chỉ mang tính chất tham khảo tại thời điểm có hiệu lực hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật. Để được hướng dẫn chi tiết, hiệu quả quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 055 586.
Trân trọng!