-
Căn cứ pháp lý
Luật doanh nghiệp 2014
-
Tìm hiểu về cổ đông trong công ty cổ phần
Cổ đông là thuật ngữ quen thuộc trong những năm gần đây. Cổ đông (tiếng Anh: Shareholder) là cá nhân hay tổ chức nắm giữ quyền sở hữu hợp pháp một phần hay toàn bộ phần vốn góp (cổ phần) của một công ty cổ phần. Chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu này gọi là cổ phiếu. Về bản chất, cổ đông là thực thể đồng sở hữu công ty cổ phần chứ không phải là chủ nợ của công ty đó do vậy quyền lợi và nghĩa vụ của họ gắn liền với kết quả hoạt động của doanh nghiệp và cũng gắn liền với tỷ lệ cổ phần mà họ nắm giữ. Khi nắm giữ trong tay số cổ phần đủ lớn, họ có thể bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty.

Tại Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau : “2. Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.
Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.” Như vậy có thể thấy:
Thứ nhất, cổ đông là cá nhân. Không phân biệt nơi cư trú và quốc tịch, nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đều có quyền thành lập, tham gia thành lập công ty cổ phần; nếu không thuộc đối tượng tại khoản 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần.
Thứ hai, cổ đông là tổ chức. Điều kiện tất cả các tổ chức là pháp nhân. Nhóm này bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không phân biệt nơi đăng ký đại chỉ trụ sở chính nếu không thuộc đối tượng bị cấm đều có quyền thành lập, tham gia thành lập công ty cổ phần, có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần.
Tiếp theo, pháp luật doanh nghiệp quy định một chủ thể phải sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần thì mới được gọi là cổ đông. Như vậy, cổ đông có thể tham gia góp vốn trực tiếp theo mệnh giá cổ phần hoặc mua cổ phần phổ thông qua thị trường chứng khoán thì đều có cơ hội trở thành cổ đông của công ty cổ phần. Tuy nhiên trên thực tế, ít có chủ thể nào mà chỉ sở hữu 1 cổ phần của công ty cổ phần bởi mệnh giá cổ phần thường không cao đến mức không thể mua.
Ví dụ: Thị trường chứng khoán Việt nam có 2 Sở giao dịch chứng khoán là Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hà Nội(HNX) và Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh( HoSE). Khối lượng giao dịch tối thiểu trên HoSE là 10 cổ phiếu, trên HNX là 100 cổ phiếu. Tức là nếu muốn mua cổ phiếu cũng những doanh nghiệp niêm yết tại hai địa điểm trên thì bạn bắt buộc phải mua tối thiếu là 10 cổ phiếu đối với HoSE và 100 phiếu với HNX.
Các quy định về chào bán cổ phần hiện nay không dẫn chiếu tới mệnh giá. Trường hợp giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất thấp hơn mệnh giá thì có khả năng xảy ra là giá chào bán cổ phần thấp hơn mệnh giá. Trên thực tế đã có trường hợp ghi nhận tại thị trường Việt nam, một số công ty cổ phần phát hành thấp hơn mệnh giá được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kỳ quy định nào của pháp luật hướng dẫn cụ thể về vấn đề này trên phương diện kế toán.
Có thể thấy, việc cho phép phát hành cổ phần dưới mệnh giá có lẽ làm cho quy định cổ phần cần có mệnh giá trở lên không thực sự cần thiết. Mệnh giá có ý nghĩa như là giá sàn đối với giá phát hành cổ phần. Chính vì thế, nếu pháp luật Việt nam cho phép hay không ngăn cấm việc phát hành cổ phần dưới mệnh giá thì quy định về mệnh giá cũng không phục vụ cho bất kì hoạt động nào. Phần vốn góp thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn không có mệnh giá tương đương với việc không phát sinh vấn đề pháp lý nào. Với tư cách là một loại chứng khoán, cổ phần cũng không nhất thiết phải có mệnh giá. Bởi lẽ, trong các giao dịch chứng khoán, giá thị trường hay giá chuyển nhượng thực tế mới đóng vai trò quan trọng.
Cổ đông sáng lập là người góp vốn cổ phần, tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần. Khi công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất ba cổ đông sáng lập; Công ty cổ phần được chuyển đổi từ 100% vốn nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.
Nếu trong trường hợp không có cổ đông sáng lập, Điều lệ công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.
Trong trường hợp có cổ đông sáng lập thì các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng kí mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.
Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho người không phải cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuậ của Đại hội đồng cổ đông.
Lưu ý: Pháp luật doanh nghiệp quy định về các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung Tìm hiểu về cổ đông trong công ty cổ phần Công ty Luật TKB gửi tới Quý khách hàng. Nội dung tư vấn chỉ mang tính chất tham khảo tại thời điểm có hiệu lực hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật. Để được hướng dẫn chi tiết, hiệu quả quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 055 586.
Trân trọng!