
Thủ tục rút gọn là một chế định tiến bộ trong pháp luật tố tụng hình sự. Quy định về thủ tục rút gọn có trong pháp luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, hình thức thủ tục này cũng được quy định khá sớm và hiện nay vẫn tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện.
-
Khái niệm, đặc điểm của thủ tục rút gọn
Theo từ điển Luật học, thủ tục tố tụng được hiểu là “cách thức trình tự và nghi thức tiến hành xem xét một vụ việc hoặc giải quyết một vụ án đã được thụ lý hoặc khởi tố theo quy định của pháp luật”. Như vậy, thủ tục tố tụng hình sự được hiểu là trình tự, biện pháp do các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để điều tra phát hiện, xử lý, trừng trị người có hành vi phạm tội và được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Một số đặc điểm của thủ tục rút gọn:
-
Thủ tục rút gọn là một thủ tục đặc biệt, được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.
-
Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện Luật quy định.
-
Thủ tục rút gọn là một thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự, nhưng khi áp dụng thủ tục này vẫn phải tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự.
-
Thủ tục rút gọn rút ngắn được thời gian giải quyết vụ án, giảm được chi phí, công sức của cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
-
Những điểm mới về thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
-
Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử phúc thẩm. Cụ thể, tại Điều 455 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã bổ sung: “Thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Chương này và những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.
-
Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Về cơ bản, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 vẫn giữ nguyên 4 điều kiện như Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Những có bổ sung thêm đối với điều kiện thứ nhất đó là “Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú”. Việc bổ sung thêm trường hợp người phạm tội tự thú được áp dụng thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện còn lại là một sự mở rộng các trường hợp áp dụng. Ngoài ra, điều kiện thứ 4 cũng được thay đổi thành “người phạm tội có nơi cứ trú, lý lịch rõ ràng”, về bản chất thì căn cước, lại lịch hay nơi cư trú lý lịch là giống nhau, đều chỉ về việc xác minh các thông tin của người phạm tội.
Một điểm mới về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đó là điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử phúc thẩm. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện sau:
“a)Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo; b) Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo” .
Đối với trường hợp thứ 2, việc áp dụng thủ tục rút gọn chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ 5 điều kiện đó là 4 điều kiện tại khoản 1 Điều 456 và thêm một điều kiện đó là có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo hướng án treo.
-
Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
Thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã được trao cho 3 cơ quan: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
-
Thời điểm áp dụng thủ tục rút gọn
Thời điểm áp dụng thủ tục rút gọn tại khoản 1 Điều 457 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 là sau 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện. Như vậy, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, khi phát hiện có đủ căn cứ để áp dụng thủ tục rút gọn các cơ quan có thẩm quyền được phép áp dụng thủ tục rút gọn.
-
Hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
Đây là một quy định hoàn toàn mới so với Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Căn cứ để hủy là khi vụ án không còn một trong các điều kiện được quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 456 hoặc vụ án đã được đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc hồ sơ vụ án phải trả để điều tra bổ sung.