1. Căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

Căn cứ Điều 59 Luật Đất đai 2013, cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân là Ủy ban nhân dân cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) và các trường hợp còn lại thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Mặc dù thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được Luật Đất đai quy định rõ nhưng cơ quan có thẩm quyền không toàn quyền quyết định mà phải theo một số căn cứ nhất định.
Căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định rõ tại Điều 52 Luật Đất đai 2013 như sau:
“1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.”.
Theo quy định sau khi hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.
Thông qua công tác xác minh, thẩm định Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép hoặc không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Mặc dù căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được nêu rõ tại Luật Đất đai 2013 nhưng trên thực tế hầu hết người dân không nắm rõ được kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện. Do vậy, nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thì chủ động chuẩn bị hồ sơ và nộp theo đúng quy định.
Trường hợp không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản.
2. Mức phạt khi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất

Đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc trường hợp không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng vẫn tự ý chuyển sẽ bị phạt tiền và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, cụ thể:
- Phạt tiền:
Khoản 2, 3, 4 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt khi tự ý chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất ở hoặc các loại đất phi nông nghiệp khác.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Ngoài việc bị phạt tiền, người tự ý chuyển mục đích sử dụng đất còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
+ Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi tự ý chuyển lên đất thổ cư.