0987 691799

Chế độ bảo hiểm xã hội khi bị tai nạn lao động

04/02/2021 | 754 Lượt xem

1.Căn cứ pháp lý

Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Luật An toàn vệ sinh lao động 2015

Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH

2.Chế độ tai nạn lao động là gì?

Theo khoản 8 Điều 2 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì tai nạn lao động được hiểu như sau:

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương bất cứ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động trong quá trình tham gia lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

3.Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động

Đối tượng hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định tại khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 bao gồm các đối tượng sau:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động (giao kết bằng văn bản) có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng( áp dụng từ 01/01/2018);
  • Cán bộ, công chức, viên chức;
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
  • Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

4.Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Căn cứ theo Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Theo quy định trên thì người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi đáp ứng đủ các 2 điều kiện sau đây :

  • Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    • Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc
    • Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động (trường hợp này yêu cầu  văn bản theo yêu cầu từ đơn vị)
    • Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
  • NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên bị tai nạn.

5.Giám định mức suy giảm khả năng lao động

Theo quy định tại điều 47 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 về điều kiện giám định mức suy giảm khả năng lao động như sau:

Người lao động bị tai nạn lao động được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
  • Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;
  • Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;
  • Bị tai nạn lao động nhiều lần;
  • Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp người lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định được đi giám định lại tai nạn lao động sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỉ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó.

Trường hợp người lao động đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động. Tùy theo tỉ lệ suy giảm khả năng lao động của người lao động là bao nhiêu % mà người lao động sẽ được hưởng mức hưởng của chế độ lao động khác nhau.

6.Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động

Theo quy định tại Điều 38 luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động với các trường hợp bị tai nạn lao động như sau:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động.

Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động như sau:

  • Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.
  • Trả chi phí giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
  • Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế 

Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị phục hồi chức năng lao động.

Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động và có mức suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% mà không do lỗi của người lao động với mức bồi thường như sau:

  • Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động. Sau đó cứ tăng 1% thì được cộng thêm 0.4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%
  • Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

Người lao động bị tai nạn lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động.

Tiến hành lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật an toàn vệ sinh lao động 2015.

 Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

7.Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với người lao động bị tai nạn lao động

7.1.Trợ cấp một lần cho chế độ tai nạn lao động 

Theo quy định tại điều 46 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức trợ cấp với người lao động bị tai nạn lao động được hưởng như sau:

Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

Theo đó, mức độ suy giảm lao động thì 5% thì được hưởng bằng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ giảm thêm 1 % thì được cộng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm 1 khoản trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng tiền lương, sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 0,3 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Mức tính trợ cấp tai nạn lao động được tính như sau:

Chế độ tai nạn lao động

Trong đó:

  •  Lmin : Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng
  • m : mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động lấy hệ số tuyệt đối (5≤ m≤ 30)
  • L: mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Thông tư này
  • t: tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định tại khoản 6 điều 4 thông tư này.

7.2.Trợ cấp hàng tháng cho chế độ tai nạn lao động

Theo quy định tại Điều  46 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì: Đối với người lao động có mức độ suy giảm từ 31% trở lên thì thời gian được hưởng trợ cấp tai nạn lao động sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng như sau:

Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ giảm thêm 1% thì được tính thêm 2% mức tiền lương cơ sở.

      Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội, từ 1 năm trở xuống thì người lao động được hưởng thêm 0.5% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sau đó cứ thêm một năm thì tính thêm 0,3 mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền trước.

Cách tính trợ cấp hàng tháng

Trong đó:

{0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin} + {0,005 x L + (t-1) x 0,003 x L}

  • Lmin: Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
  • m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100).
  • L: Mức tiền lương, đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Thông tư này.
  • t: tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư này.

8.Các khoản trợ cấp khác khi bị tai nạn lao động

Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động

      Trường hợp người lao động đang làm việc mà chết do tai nạn lao động thì theo Điều 53 luật an toàn vệ sinh lao động 2015 .Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần khi người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

2. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

3. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

Trợ cấp phục vụ khi bị tai nạn lao động 

Theo quy định tại Điều 52 của Luật vệ sinh an toàn thực phẩm 2015 quy định về trợ cấp phục khi bị tai nạn lao động thì:

Người lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hay bị mù hai mắt cụt, liệt hai chi hoặc bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng được quy định tại Điều 49 luật này thì hàng tháng còn được hưởng trợ cấp dịch vụ bằng mức lương cơ sở.

Trợ cấp phương tiện trợ cấp sinh hoạt dụng cụ chỉnh hình

Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên dạng căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng đảm bảo yêu cầu điều kiện chuyên môn kỹ thuật (Theo quy định tại Điều 51 luật an toàn vệ sinh lao động 2015)

9.Thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động

      Theo quy định tại Điều 50 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động như sau:

Điều 50. Thời điểm hưởng trợ cấp

“1. Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại các điều 48, 49 và 52 của Luật này được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú; trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật này, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.”

Như vậy theo quy định trên thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng như sau:

  • Đi điều trị nội trú: Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng điều trị xong, ra viện.
  • Đi điều trị ngoại trú: Tính từ tháng người lao động ổn định điều trị xong,ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
  • Trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động: tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động sau cùng hoặc là từ lúc có giám định kết luận tổng hợp của hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
  • Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa. Trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

10.Thủ tục hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động

Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động

      Căn cứ vào điều 104 luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về hồ sơ chế độ tai nạn lao động, theo đó để được hưởng chế độ tai nạn lao động phải chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Văn bản yêu cầu giải quyết tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Mẫu số 05 – HSB).
  • Sổ bảo hiểm xã hội
  • Biên bản tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn lao động được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.
  • Giấy ra viện sau khi đã điều trị tai nạn lao động 
  • Biên bản giám định suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa.

      Bên cạnh đó căn cứ Khoản 1 Công văn 3647/BHXH-CSXH quy định:

Đối với hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ, bỏ thành phần hồ sơ quy định tại Khoản 3, Khoản 6 Điều 14 Quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 và các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam;”

Như vậy từ ngày 1/7/2016 trở đi thì khi nộp hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động sẽ không cần đến biên bản tai nạn lao động, biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan công an nữa.

11.Thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động

      Theo quy định tại điều 59 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm tai nạn lao động như sau:

       Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động.

      Trong vòng thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là toàn bộ nội dung về Chế độ bảo hiểm xã hội khi bị tai nạn lao động Công ty Luật TKB gửi tới Quý khách hàng. Nội dung tư vấn chỉ mang tính chất tham khảo tại thời điểm có hiệu lực hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật. Để được hướng dẫn chi tiết, hiệu quả quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 055 586.

Trân trọng!

 

Đăng ký tư vấn với chúng tôi
Đăng ký để được tư vấn chi tiết các thủ tục pháp lý.

CÔNG TY LUẬT TNHH TKB

Địa chỉ: Tầng 3, căn hộ LK2B-10 dự án khu nhà liền kề khu đô thị Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.

Holine: 0987.691.799  

Email: luattkb@gmail.com

Website: https://tkblaw.vn/

 

 

 

 

 

 

 

THỐNG KÊ ONLINE

FACEBOOK

đăng ký
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
© 2020 TKB. All Rights Reserved
facebook
zalo