1900 055 586

CHẾ ĐỘ NGHỈ CON ỐM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

04/02/2021 | 676 Lượt xem

1.Căn cứ pháp lý

Bộ luật lao động

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH

2.Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội con ốm đau

2.1.Đối tượng hưởng chế độ BHXH khi con ốm đau

Đối tượng áp dụng chế độ nghỉ con ốm đau là người lao động được quy định tại điều 24 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:

Đối tượng áp dụng chế độ ốm đau là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này.

Như vậy, đối tượng người lao động được hưởng chế độ con ốm đau bao gồm:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
  • Cán bộ, công chức, viên chức;
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

2.2.Điều kiện hưởng chế độ nghỉ con ốm đau

Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, điều kiện để được hưởng chế độ nghỉ con ốm của người lao động bao gồm:

  • Chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau;
  • Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

Như vậy, để được hưởng chế độ con ốm đau thì người lao động phải có đủ 2 điều kiện trên. Trường hợp người lao động chăm sóc con ốm đau mà người con trên 7 tuổi hoặc không có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì người lao động đó sẽ không được hưởng chế độ ốm đau khi con ốm.

3.Thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi con ốm đau

Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được quy định tại Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 5 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động như sau:

  • Tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi;
  • Tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

Trường hợp trong cùng một thời gian người lao động có từ 2 con trở lên dưới 7 tuổi bị ốm đau, thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế người lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau; thời gian tối đa người lao động nghỉ việc trong một năm cho mỗi con được thực hiện như trên. 

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy theo điều kiện của mỗi người để luân phiên nghỉ việc chăm sóc con ốm đau, thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con sẽ không quá tối đa số ngày như trên.

Ví dụ: Hai vợ chồng bà Tuyết đều đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngày nghỉ hàng tuần của vợ chồng bà Tuyết là ngày Chủ nhật. Con bà Tuyết được 4 tuổi, bị ốm phải điều trị ở bệnh viện thời gian từ ngày 11/3 đến ngày 05/04/2019. Do điều kiện công việc, vợ chồng bà Tuyết phải bố trí thay nhau nghỉ chăm sóc con như sau: 

  • Bà Tuyết nghỉ chăm con từ ngày 11/03 đến ngày 17/03/2016 và từ ngày 25/03 đến ngày 05/04/2019; 
  • Chồng bà Tuyết nghỉ chăm con từ ngày 18/03 đến ngày 24/03/2019. 

Như vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của vợ chồng bà Tuyết được tính như sau: 

  • Đối với bà Tuyết: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 19 ngày, trừ 02 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 17 ngày. Tuy nhiên, do con bà B đã được 4 tuổi nên thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm tối đa là 15 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của bà B được tính hưởng là 15 ngày. 
  • Đối với chồng bà Tuyết: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 7 ngày, trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 06 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của chồng bà Tuyết được tính hưởng là 06 ngày. 

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ nghỉ con ốm; thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con tối đa không quá số ngày như trên.

4.Mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi con ốm đau

Người lao động hưởng chế độ BHXH con ốm đau thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ con ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

 Cách tính hưởng chế độ ốm đau được tính như sau:

Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

5.Hồ sơ và thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội khi nghỉ chế độ con ốm đau

5.1.Hồ sơ hưởng chế độ BHXH khi con ốm đau

Theo quy định tại Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định về hồ sơ giải quyết chế độ con ốm đau như sau:

  • Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của con của người lao động điều trị nội trú.
  • Trường hợp con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
  • Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ được thay bằng bản dịch tiếng Việt được chứng thực của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
  • Từ ngày 01/05/2019, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau không dùng mẫu C70a-HD, người sử dụng lao động lập Danh sách theo mẫu 01B-HSB (bản chính) theo Quyết định 116/QĐ-BHXH.

5.2.Thủ tục hưởng chế độ nghỉ chăm con ốm đau

Theo quy định tại Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về thủ tục giải quyết chế độ con ốm đau như sau:

  • Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ này cho người sử dụng lao động.
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
  • Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là nội dung Chế độ nghỉ con ốm của người lao động Công ty Luật TKB gửi tới Quý khách hàng. Nội dung tư vấn chỉ mang tính chất tham khảo tại thời điểm có hiệu lực hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật. Để được hướng dẫn chi tiết, hiệu quả quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 055 586.

Trân trọng!

 

Đăng ký tư vấn với chúng tôi
Đăng ký để được tư vấn chi tiết các thủ tục pháp lý.

CÔNG TY LUẬT TNHH TKB

Địa chỉ: Tầng 3, căn hộ LK2B-10 dự án khu nhà liền kề khu đô thị Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.

Holine: 1900 055 586  

Email: info@tkblaw.vn

Website: https://tkblaw.vn/

 

 

 

THỐNG KÊ ONLINE

FACEBOOK

đăng ký
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
© 2020 TKB. All Rights Reserved
facebook
zalo