-
Căn cứ pháp lý
Bộ luật dân sự 2015
-
Người quản lý di sản thừa kế là ai?
Người quản lý di sản theo quy định của pháp luật là các chủ thể sau đây:
– Người quản lý di sản thừa kế là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra để thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản của người để lại di sản, bảo quản di sản và các công việc cụ thể khác liên quan đến di sản.
– Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
– Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo chỉ định của di chúc, do những người thừa kế cử ra hoặc không có người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

-
Quyền của người quản lý di sản thừa kế
Ngoài việc phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định đối với di sản thừa kế của người để lại di sản thừa kế, người quản lý di sản thừa kế có những quyền sau đây:
-
Trường hợp người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý
Những chủ thể trên có những quyền sau đây:
– Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
– Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
– Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
-
Trường hợp người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản
Chủ thể trên có những quyền sau đây:
– Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
– Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
– Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
-
Nghĩa vụ của người quản lý di sản
-
Trường hợp người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý
Những chủ thể quản lý di sản trên có nghĩa vụ như sau
– Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
– Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;
– Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
– Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
-
Trường hợp người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản
Chủ thể quản lý di sản trên có nghĩa vụ sau đây:
– Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;
– Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
– Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
– Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
Trên đây là nội dung về quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế theo quy định của pháp luật Công ty Luật TKB gửi tới Quý khách hàng. Nội dung tư vấn chỉ mang tính chất tham khảo tại thời điểm có hiệu lực hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật. Để được hướng dẫn chi tiết, hiệu quả quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 055 586.
Trân trọng!