Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Đ385 Bộ Luật Dân sự 2015). HĐ tồn tại như một công cụ phổ biến và quan trọng nhất khi tồn tại bất kỳ giao dịch nào giữa hai hoặc nhiều bên.
Có thể cho rằng, HĐ chính là bản luật tư do các bên tự soạn thảo và lập nên để tạo nên sự ràng buộc lẫn nhau nhằm đạt tới một mục đích chung.
Điều cốt yếu trong kỹ thuật soạn thảo hợp đồng là việc xây dựng nên bộ các quyền, các nghĩa vụ và các trách nhiệm của mỗi bên có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến giao dịch mà các bên hướng tới. Ở khía cạnh khác, các bên có thể đạt tới mục đích giao dịch chính thông qua việc thực hiện những giao dịch bổ trợ, giao dịch phụ khác, nên việc xác lập các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên cần bám sát vào giao dịch và cấu trúc HĐ cần có sự phân chia thành các chương mục, điều khoản một cách hợp lý.
Với các Luật sư tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn soạn thảo hợp đồng, việc sử dụng mẫu HĐ sẽ thể hiện một điều gì đó không chuyên nghiệp và khó chấp nhận, bởi cấu trúc mỗi giao dịch và quan hệ giữa các bên chủ thể HĐ sẽ rất khác nhau trong mỗi giao dịch.
Những nội dung cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng
Trong một bản HĐ, có những nội dung không thể thiếu và nếu thiếu nó, có thể dẫn tới bản HĐ không có hiệu lực về mặt pháp lý hoặc không thể thực hiện trên thực tế. Chúng ta cùng xem xét một số nội dung cụ thể gồm:
Thứ nhất: Chủ thể HĐ. Chủ thể HĐ là các bên ký kết và thực hiện HĐ, nên cần lưu ý về thông tin chủ thể, ý chí tự nguyện của các chủ thể và mục đích của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ HĐ. Nếu chủ thể không có thẩm quyền hoặc không biểu đạt sự tự do, tự nguyện về ý chí thì bản HĐ đó sẽ có nguy cơ vô hiệu.
Xác định tư cách chủ thể cũng có thể ảnh hưởng đến việc xác định loại văn bản HĐ, như đó là một bản HĐ thương mại hay HĐ dân sự, hay hợp đồng có yếu tố nước ngoài …..
Thứ hai: Mục đích HĐ. Mục đích HĐ là mục đích mà các bên chủ thể hướng tới và mong muốn đạt tới khi ký kết và thực hiện HĐ. Nếu một trong các bên vi phạm nghĩa vụ của mình dẫn tới việc bên còn lại không thể đạt tới mục đích ký kết thì vi phạm đó có thể bị coi là vi phạm cơ bản hay vi phạm nghiêm trọng.
Điều 423 Bộ Luật dân sự 2015 quy định “Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết HĐ”. Hay khoản 13, Điều 3, Luật Thương mại 2005 quy định “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm HĐ của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết HĐ”.
Do đó, khi soạn thảo hợp đồng, đặc biệt là soạn thảo hợp đồng thương mại, người soạn thảo cần kiểm tra và làm rõ mục đích tham gia ký kết HĐ của mỗi bên. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi nhận thấy rằng, mặc dù mục đích của HĐ là hết sức quan trọng, nhưng nhiều Luật sư, cán bộ pháp chế lại rất ít khi để ý đến điều này và thường bỏ quên những điều khoản cần thiết để đặt mục đích của việc giao kết HĐ vào đúng vị trí của nó.
Thứ ba: Đối tượng HĐ. Đối tượng HĐ là vật, việc hay dịch vụ mà các bên cần chuyển giao, thực hiện, hay hành động để đạt tới mục đích của mình. Không nên nhầm lẫn giữa đối tượng HĐ với mục đích của HĐ, mặc dù trong nhiều trường hợp, đối tượng HĐ với mục đích của HĐ có thể trùng với nhau.
Ví dụ: Bên A thuê nhà của Bên B để làm cửa hàng kinh doanh, và mục đích của A là quyền sử dụng ngôi nhà để kinh doanh, và đối tượng của HĐ là quyền sử dụng ngồi nhà trong một thời gian xác định. Trong trường hợp này, đối tượng HĐ với mục đích của HĐ là khác nhau.
Ví dụ khác: A ký HĐ mua 1 tấn gạo do B với giá 1 triệu đồng. Trong trường hợp này, đối tượng và mục đích của HĐ là trùng với nhau.
Thứ tư: Thời gian và địa điểm ký kết HĐ.
HĐ được coi là có hiệu lực vào một trong các thời điểm sau: (i) HĐ có hiệu lực tại thời điểm các bên đã trực tiếp thỏa thuận với nhau về những nội dung chủ yếu của HĐ; (ii) HĐ bằng văn bản thường, có hiệu lực tại thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản HĐ; (iii) HĐ bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký có hiệu lực tại thời điểm văn bản HĐ được công chứng, chứng thực, đăng ký; (iv) HĐ còn có thể có hiệu lực sau các thời điểm nói trên nếu các bên đã tự thỏa thuận để xác định hoặc trong trường hợp mà pháp luật đã quy định cụ thể. Ví dụ: HĐ tặng cho động sản có hiệu lực tại thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản (Điều 458 BLDS năm 2015).
Tùy thuộc vào loại giao dịch và mong muốn của các bên mà văn bản HĐ có thể quy định thời điểm có hiệu lực khác nhau, nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
Địa điểm ký kết HĐ có thể tại trụ sở của một trong các bên hoặc ở một địa điểm trung gian khác. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể ảnh hưởng tới việc xác định luật điều chỉnh trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về nguồn luật điều chỉnh HĐ.
Thứ năm: Nội dung của HĐ
Nội dung của HĐ là tổng hợp các điều khoản mà các chủ thể tham gia giao kết HĐ đã thỏa thuận. Các điều khoản đó xác định những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể của các bên trong HĐ.
Điều 398 BLDS năm 2015 quy định: “1. Các bên trong HĐ có quyền thỏa thuận về nội dung trong HĐ; 2. HĐ có thể có các nội dung sau: a. Đối tượng của HĐ; b. Số lượng, chất lượng; c. Giá, phương thức thanh toán; d. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện HĐ; đ. Quyền, nghĩa vụ của các bên; e. Trách nhiệm do vi phạm HĐ; g. Phương thức giải quyết tranh chấp”.
Nội dung của HĐ được hiểu là tổng hợp các điều khoản trong HĐ do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Về mặt khoa học pháp lý, các điều khoản trong HĐ được chia thành ba loại là điều khoản cơ bản, điều khoản thông thường và điều khoản tùy nghi.
Về điều khoản cơ bản: Là các điều khoản xác định nội dung chủ yếu của HĐ. Đó là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng loại HĐ. Nếu không thỏa thuận được những điều khoản đó thì HĐ không thể giao kết được. Điều khoản cơ bản có thể do tính chất của từng HĐ quyết định hoặc do pháp luật quy định. Tùy theo tính chất của từng loại HĐ mà điều khoản cơ bản có thể là đối tượng, giá cả…
Về điều khoản thông thường: Là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết HĐ, các bên không thỏa thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thỏa thuận và được thực hiện như pháp luật đã quy định. Khi có tranh chấp, sẽ căn cứ vào những quy định của pháp luật để giải quyết. Khác với điều khỏa cơ bản, các điều khoản thông thường không làm ảnh hưởng tới quá trình giao kết HĐ.
Về điều khoản tùy nghi: Là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết HĐ tự ý lựa chọn và thỏa thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên. Thông qua điều khoản tùy nghi, các bên có nghĩa vụ được phép lựa chọn một trong những cách thức nhất định để thực hiện HĐ sao cho thuận lợi mà vẫn bảo đảm được quyền yêu cầu của bên kia.