1. Định nghĩa về nhượng quyền thương mại
Về nhượng quyền thương mại, Luật Thương mại 2005 quy định:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”.

Theo quy định nêu trên về nhượng quyền thương mại, ta cần quan tâm tới những vấn đề sau:
-
Thứ nhất, nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại
-
Thứ hai, pháp luật về vấn đề này đã nhấn mạnh tới quyền của bên nhượng quyền (cho phép và yêu cầu) với bên nhận quyền và những điều kiện mà bên nhận quyền là bên có nghĩa vụ phải tuân thủ khi tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Cụ thể, bên nhượng quyền sẽ trao cho bên nhận quyền kinh doanh các quyền sử dụng mô hình, kĩ thuật kinh doanh sản phẩm, dịch vụ dưới thương hiệu của mình và nhận lại một khoản phí hoặc phần trăm doanh thu trong một khoảng thời gian nhất định, bên nhận quyền thương mại có quyền sử dụng quyền thương mại của bên nhượng quyền để tiến hành hoạt động kinh doanh nhưng phải tuân thủ một số điều kiện mà bên nhượng quyền đưa ra.
2. Đặc điểm của nhượng quyền thương mại
Dựa trên định nghĩa về nhượng quyền thương mại của Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương mại có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, đối tượng của nhượng quyền thương mại là quyền thương mại
Quyền thương mại được hiểu là quyền tiến hành kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo cách thức của bên nhượng quyền quy định, cùng với đó là việc được sử dụng nhãn mác, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo…của bên nhượng quyền. Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, nội dung cốt lõi chính là việc bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được sử dụng quyền thương mại của mình trong kinh doanh.
Thứ hai, giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền luôn tồn tại một mối quan hệ hỗ trợ mật thiết
Đây là một đặc điểm giúp chúng ta tìm thấy sự khác biệt của nhượng quyền thương mại với các hoạt động thương mại khác. Trong nhượng quyền thương mại luôn tồn tại mối quan hệ hỗ trợ mật thiết giữa Bên nhượng quyền và bên nhận quyền, nếu không có điều đó, thì đã thiếu đi một điều kiện tiên quyết để xác định hoạt động đấy có phải là nhượng quyền thương mại hay không.
Tính mật thiết của mối quan hệ giữa Bên nhượng quyền và bên nhận quyền thể hiện từ ngay sau khi các bên hình thành nên quan hệ nhượng quyền thương mại. Kể từ thời điểm đó, Bên nhượng quyền phải tiến hành việc cung cấp tài liệu, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền. Không chỉ vậy, mà cùng với sự lớn mạnh và phát triển theo thời gian của hệ thống, Bên nhượng quyền phải thường xuyên trợ giúp kỹ thuật, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền đối với những ứng dụng mới áp dụng chung cho cả hệ thống.
Thứ ba, luôn có sự kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc điều hành công việc của bên nhận quyền
Quyền kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc điều hành hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền được pháp luật đa số các quốc gia trên thế giới thừa nhận. Theo đó, bên nhượng quyền có thể định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện các quyền thương mại của Bên nhận quyền. Sự hỗ trợ của bên nhượng quyền đối với Bên nhận quyền như đã nói ở trên sẽ trở nên vô nghĩa và thiếu đi tính thực tế nếu như bên nhượng quyền không có quyền năng kiểm soát hoạt động điều hành kinh doanh của bên nhận quyền. Quyền năng này của bên nhượng quyền đã thực sự tạo nên chất kết dính quan trọng trong việc xây dựng tính thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá và dịch vụ.
Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: luattkb@gmail.com hoặc hotline 1900.055.586